Lượt xem: 452

Kế Sách phát huy lợi thế kinh tế vườn cây ăn trái

Huyện Kế Sách có 1/3 chu vi tiếp giáp với sông Hậu. Chính dòng sông Hậu đã bồi đắp huyện thành miệt vườn tốt tươi với 4 mùa cây ngọt trái lành. Thổ nhưỡng đặc biệt của từng khu vực đã tạo nên những loại trái cây đặc trưng của huyện như bưởi Kế Thành, cam sành Ba Trinh, sầu riêng Xuân Hòa, vú sữa tím Xuân Hòa, Trinh Phú, nhãn, xoài An Lạc Tây… Đây được xem là những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là thế mạnh của huyện Kế Sách tập trung phát triển trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.

    Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Kế Sách triển khai thực hiện các nội dung chủ yếu như: Chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; chuyển một số loại cây ăn trái kém hiệu quả, mẫn cảm với mặn, hạn sang loại cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển hợp tác xã (HTX) làm nòng cốt để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số loại cây ăn trái chủ lực.


Ký hợp đồng với HTX Quyết Thắng - Xuân Hòa. Ảnh VBQ

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn huyện Kế Sách đã chuyển 1.267 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, đưa diện tích đất vườn đạt 16.167 ha. Chuyển 2.351 ha vườn già cỗi, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, diện tích các cây trồng có lợi thế và chống chịu mặn đều tăng thêm như: Xoài, nhãn, bưởi da xanh… Riêng đối với cây nhãn đã và đang chuyển từ giống tiêu da bò (nhiễm bệnh chổi rồng, kém được ưa chuộng trên thị trường) sang trồng các giống nhãn có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng và có khả năng xuất khẩu như nhãn Edor, xuồng cơm vàng, thanh nhãn.

    Điểm nổi bật trong kinh tế vườn ở Kế Sách thời gian qua là, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các loại cây ăn trái chủ lực và tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Châu Âu.

    Xác định HTX là yếu tố chính trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra, là đầu mối để chuyển giao kỹ thuật. Từ năm 2015 đến nay huyện đã thành lập mới 7 HTX cây ăn trái, nâng tổng số HTX trong lĩnh vực này lên 14 HTX. Trong tổ chức sản xuất, HTX thực hiện liên kết các thành viên cùng thực hiện một quy trình kỹ thuật để tạo ra sản lượng đủ lớn, mẫu mã và chất lượng đồng đều. Đồng thời HTX chủ động phối hợp với các đơn vị hỗ trợ chuỗi sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp để sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; đăng ký mã số vùng trồng; sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc,… nhằm giúp sản phẩm cây có múi có giấy “thông hành” để xuất khẩu, tham gia phân khúc thị trường giá cao.

    Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 HTX đã xây dựng mô hình sản xuất theo VietGAP, với diện tích 135,57 ha, của 5 loại trái cây gồm: Bưởi, cam, vú sữa, xoài và nhãn. Các loại trái cây được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và tem điện tử truy xuất nguồn gốc gồm: Bưởi da xanh của HTX Bưởi năm roi - da xanh Kế Thành, cam sành của HTX Đại Đoàn Kết và vú sữa tím cho HTX Nông nghiệp Trinh Phú.

    Để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu… các HTX đã đăng ký và được cấp 23 mã số vùng (mã code) thuộc 6 HTX, của 202 nhà vườn, với diện tích 190,41 ha. Theo đó, trên cây vú sữa được cấp 16 mã số vùng thuộc các HTX Trinh Phú, Quyết Thắng, Lộc Mãi và HTX Chăm sóc vườn Phong Nẫm, với diện tích 103,99 ha của 128 hộ. Xoài cát chu đã có 3 mã số vùng với 35,12 ha của 45 hộ và cây bưởi được cấp 4 mã số vùng với 41 ha, của 29 nhà vườn trong HTX Bưởi Thành Công. Hiện huyện Kế Sách đang xúc tiến đăng ký mã số vùng cho nhãn Edor của HTX Thắng Lợi.

    Trong niên vụ 2018 - 2019, HTX Trinh Phú và HTX Quyết Thắng cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được gần 31,5 tấn vú sữa tím; tiêu thụ thị trường trong nước (siêu thị) với sản lượng 14,3 tấn. HTX Bưởi Thành Công cung ứng bưởi năm roi xuất khẩu sang Châu Âu được gần 42,5 tấn. Ở thị trường trong nước, HTX Đại Đoàn Kết, Trung Tín liên kết với các doanh nghiệp, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiêu thụ cam sành cho thành viên trong HTX với sản lượng hàng trăm tấn/năm.

    Trong niên vụ vú sữa 2019 - 2020, các doanh nghiệp như Công ty VINA T&T, Chánh Thu, Cao Nhuận Phát; HTX nông sản sạch Đồng Tháp đang xúc tiến ký kết hợp đồng thu mua vú sữa để xuất khẩu, cung ứng cho hệ thống siêu thị với sản lượng lên đến hàng trăm tấn. Trong khi đó bưởi năm roi, xoài cát chu cũng tiếp tục được Công ty Đại Thuận Thiên hợp đồng thu mua để xuất khẩu.

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trong dịp ghé thăm HTX Nông nghiệp Trinh Phú đã đánh giá cao về việc tổ chức liên kết sản xuất cây ăn trái theo chuỗi của HTX; đặc biệt, trong điều kiện hoạt động ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng các HTX đã sản xuất ra trái vú sữa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.

    Trong năm 2020, huyện Kế Sách tập trung nâng cấp, mở rộng các chuỗi giá trị cây ăn trái hiện có; đồng thời hỗ trợ HTX Trinh Phú và HTX Bưởi Thành Công phát triển vú sữa tím Trinh Phú và bưởi Kế Thành trở thành sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.

    Với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy và điều hành tích cực của UBND huyện Kế Sách, tin rằng cây ăn trái của Kế Sách sẽ tiếp tục vươn cao và bay xa.
VBQ


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 8289
  • Trong tuần: 78,996
  • Tất cả: 11,802,316